GIới thiệu chung GIới thiệu chung

Giới thiệu chung về xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội
Publish date 13/04/2021 | 11:28  | Lượt xem: 61473

 

1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên

Liên Hồng là một trong 16 xã, thị trấn nằm ở phía Đông Bắc của huyện Đan Phượng, cách trung tâm  Thủ đô Hà Nội khoảng 20 km. Phía Đông giáp xã Liên Hà; phía Nam giáp xã Hạ Mỗ; phía Tây giáp xã Hồng Hà và phía Bắc giáp huyện Mê Linh.

 Xã Liên Hồng gồm 4 thôn: Đông Lai, Hữu Cước, Tổ Thôn, Thượng Trì. Dân số năm 2020 là 8.045 người với 2.132 hộ.

Xã có diện tích tự nhiên là 525,81 ha, trong đó đất nông nghiệp là 129,91 ha (chiếm 24,7%); đất phi nông nghiệp là 240,39 ha(chiếm 45,7%) và đất chưa sử dụng 155,51 ha (chiếm 29,6%). Đặc biệt, ở Liên Hồng  còn có vùng bãi đất ven sông dài 2 km, rộng từ 0,6 – 0,9 km do phù sa sông Hồng bồi đắp, thuận lợi cho việc phát triển thâm canh tăng vụ.

Xã có nguồn tài nguyên nước dồi dào được cung cấp bởi hệ thống sông Hồng. Đây không chỉ là nơi cung cấp nước tưới tiêu cho nhiều cánh đồng trong xã và các xã lân cận mà còn là tuyến giao thông đường thủy quan trọng giúp giao lưu, trao đổi hàng hóa với các tỉnh phía Bắc và thủ đô Hà Nội. Hàng năm, đê sông Hồng đều được tu bổ, sửa chữa, không chỉ để ngăn lũ mà còn là tuyến giao thông đường bộ thuận tiện của xã.

Với vị trí địa lý như trên, Liên Hồng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là giao lưu văn hóa – xã hội với các vùng miền trong cả nước.

2. Đời sống văn hóa – tín ngưỡng tâm linh và các di tích lịch sử

Cùng với sự hình thành cộng đồng làng xã, dần dần các lễ nghi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo cũng ra đời và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Về tôn giáo, đại bộ phận người dân Liên Hồng theo phật giáo. Đạo Phật du nhập vào vùng đất Liên Hồng từ khá sớm. Hầu hết các ngôi chùa, ngôi đình ở Liên Hồng hình thành từ lâu như chùa Thiên Phúc, chùa Chổi, chùa Già Lễ, đình Hữu Cước, đình Thượng Trì, đình Đông Lai, đình Tổ, miếu Xương Rồng. Xưa kia, các ngôi chùa, ngôi đình không chỉ là nơi diễn ra các lễ nghi sinh hoạt tôn giáo mà còn là trung tâm sinh hoạt chính trị của cộng động làng xã.

Về tín ngưỡng, người dân Liên Hồng có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên theo huyết thống. Tục thờ cúng tổ tiên khá sâu sắc, đã trở thành một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam nói chung và người dân Liên Hồng nói riêng. Gia đình nào cũng có bàn thờ gia tiên đặt ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà của mình. Đó không chỉ là một loại hình tín ngưỡng mà cao hơn còn là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu đối với công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà tổ tiên. Gắn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nhiều gia đình lập gia phả dòng họ, ngày giỗ tổ là dịp để con cháu trong dòng tộc sum họp, củng cố mối quan hệ thân tộc.

Ngoài tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên gia đình, các làng trong xã còn có tục thờ Thành hoàng – thần hộ mệnh của cộng đồng làng xã. Tục thờ Thành hoàng ở Liên Hồng đã có từ lâu, các vị thần được thờ chủ yếu là nhân thần, họ đều là những người có công đánh giặc, cứu dân, giúp nước. Thường thì mỗi làng thờ một Thành hoàng và có những cách thờ khác nhau, vì vậy dân gian có câu: “Trống làng nào làng ấy đánh/Thánh làng nào làng ấy thờ”. Cùng với đó, mỗi làng có một lễ hội khác nhau, thời gian và cách thức tổ chức lễ hội phụ thuộc vào mỗi vị Thánh làng thờ.

Trên địa bàn xã, hàng năm cứ vào dịp đầu xuân, người dân nơi đây tổ chức các lễ hội truyền thống. Trong đó, lễ hội của làng Tổ tại miếu Xương Rồng diễn ra ngày 12/01 (âm lịch); lễ hội ở đình làng Thượng Trì diễn ra ngày 15/01 (âm lịch); lễ hội đình Đông Lai diễn ra ngày 10/02 (âm lịch); lễ hội đình làng Hữu Cước diễn ra ngày 15/3 (âm lịch). Đây là dịp để người dân Liên Hồng trở về nguồn cội của mình, là dịp để tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức của các vị thần, đồng thời người dân cầu mong thần linh giúp đỡ, che chở để vượt qua những thử thách trong cuộc sống.

Liên Hồng vốn là vùng đất cổ ven sông Nhị Hà xưa (sông Hồng nay). Đây còn là nơi lưu giữ nhiều công trình di tích tôn giáo, tín ngưỡng và các truyền thuyết dân gian phản ánh lịch sử tụ cư, xây dựng và đã được công nhận là di tích lịch sử. Di tích miếu Xương Rồng (thôn Tổ) được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2002; Đình Thượng Trì (thôn Thượng Trì); chùa Thiên Phúc, đình Hữu Cước (thôn Hữu Cước) được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2006; chùa Già Lễ, đình Đông Lai năm 2016 UBND thành phố Hà Nội đã ra Quyết định công nhận là di tích lịch sử văn hóa.

3. Truyền thống lịch sử, cách mạng

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Liên Hồng với tinh thần yêu nước nồng nàn, một lòng đi theo cách mạng, hàng nghìn thanh niên Liên Hồng hăng hái tòng quân tham gia chiến đấu, hàng nghìn tấn lương thực đóng góp cho chiến trường, nuôi dấu cán bộ, dũng cảm chiến đấu giết giặc, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương. Kết thúc các cuộc kháng chiến cứu nước, Liên Hồng có 139 Liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc, 01 anh hùng lực lượng vũ trang, 01 lão thành cách mạng, 49 thương binh, bệnh binh bỏ lại một phần xương máu nơi chiến trường, 22 mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng và nhiều thanh niên xung phong, dân quân du kích, dân quân hỏa tuyến tham gia bảo vệ Tổ quốc.

4. Xây dựng quê hương, phát triển kinh tế - xã hội

Trong thời kỳ đổi mới, cán bộ và nhân dân xã Liên Hồng tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tập trung đoàn kết đẩy mạnh xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Đời sống kinh tế của nhân dân ngày một nâng cao. Nhiều mô hình kinh tế, doanh nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được đầu tư xây dựng, tạo nhiều việc làm cho nhân dân. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao, nhiều công trình văn hóa được xây dựng, các di tích lịch sử được đầu tư tu bổ đảm bảo nhu cầu hoạt động văn hóa tinh thần của nhân dân… Bộ mặt nông thôn không ngừng được đổi mới, các công trình phúc lợi như đường giao thông, điện chiếu sáng, nhà văn hóa, khu tập luyện thể dục thể thao, ao môi trường, cổng làng, cổng xóm được đầu tư xây dựng. Công tác chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, chăm lo sức khỏe cho nhân dân được quan tâm thực hiện tốt, cả ba cấp học đều được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia. An ninh chính trị ổn định, phong trào quần chúng bảo vệ an Tổ quốc duy trì thường xuyên, hiệu quả. Năm 2013 xã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới và được thủ tưởng Chính phủ tặng Bằng khen, năm 2020 xã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Để thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXVI đề ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã liên Hồng quyết tâm phát huy truyền thống đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã Liên Hồng phát triển bền vững.

5. Tên cơ quan

Đảng ủy - HĐND - UBND xã Liên Hồng

Điện thoại: 024.33.815.091

Email: lienhong.danphuong@hanoi.gov.vn