TIN CỦA HUYỆN
Thời tiết bắt đầu vào hè nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, tuy nhiên, việc sử dụng các thiết bị không đúng quy định và không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) có thể làm phát sinh cháy, nổ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Công an huyện Đan Phượng đề nghị người dân, chủ cơ sở, chủ hộ gia đình cần thực hiện bảo đảm các yêu cầu sau:
1. Đối với sử dụng điện tại hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh
Hệ thống điện được lắp đặt bảo đảm đủ công suất tiêu thụ của các thiết bị, được nối đất an toàn theo quy định; có aptomat hoặc cầu dao, cầu chì bảo vệ chung cho hệ thống, riêng cho từng tầng, từng nhánh và thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn. Khi lắp đặt thêm các thiết bị tiêu thụ điện, phải tính toán lại công suất của hệ thống điện để tránh quá tải.
Dây dẫn điện đặt trong nhà phải bảo đảm yêu cầu về an toàn PCCC (đặt trong ống bảo vệ); dây dẫn đi qua khu vực ẩm ướt phải có giải pháp chống chạm, chập; tại vị trí tiếp giáp với thiết bị, vật dụng dễ cháy, nổ phải ngăn cách bằng vật liệu không cháy.
Không được câu móc điện tuỳ tiện, không sử dụng giấy bạc hoặc dây kim loại thay thế cầu chì bị đứt, aptomat bị hỏng. Các mối nối phải chắc, gọn, quấn băng cách điện hoặc nối bằng cầu đấu trong hộp nối cố định. Bảo đảm khoảng cách an toàn của các vật dụng, thiết bị làm bằng vật liệu dễ cháy trong nhà đến các thiết bị, dụng cụ sử dụng điện, đường dây dẫn điện tối thiểu là 0,5m.
Không sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong cùng 1 ổ cắm, không cắm trực tiếp đầu dây điện vào ổ cắm; không sạc điện thoại, máy vi tính, xe đạp điện... qua đêm hoặc cắm sạc khi không có người ở nhà. Trước khi ra khỏi nhà hoặc khi đi ngủ, phải kiểm tra, tắt nguồn điện tới các thiết bị tiêu thụ điện không sử dụng.
Tại khu vực có bảo quản, kinh doanh, sản xuất, sử dụng vật tư, hàng hoá, hoá chất dễ cháy nổ, phải sử dụng thiết bị điện bảo đảm an toàn cháy, nổ; thiết bị tiêu thụ điện lắp đặt trong kho phải được khống chế chung bằng thiết bị đóng - cắt tự động và phải được đặt bên ngoài kho.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, sửa chữa, thay thế để khắc phục ngay hoặc ngắt nguồn điện đến đường điện hoặc thiết bị hư hỏng, không an toàn.
2. Đối với sử dụng điện tại cơ sở sản xuất, kinh doanh
Khi thiết kế thi công, lắp đặt hệ thống thiết bị điện, phải bảo đảm theo các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành; thiết bị điện được sử dụng trong môi trường nguy hiểm dễ cháy, nổ phải là loại thiết bị an toàn về cháy, nổ.
Hệ thống, thiết bị điện, dây dẫn lắp đặt trong khu vực có nguy cơ hình thành môi trường nguy hiểm cháy, nổ phải bảo đảm an toàn PCCC, phòng nổ theo quy định. Tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, sản xuất với hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ và hệ thống điện phục vụ thoát nạn, chữa cháy. Phải ngắt tất cả các thiết bị sử dụng điện ra khỏi nguồn điện (công tắc, cầu dao, aptomat, rút phích cắm ra khỏi ổ cắm điện) khi không sử dụng.
Lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptomat) cho từng tầng, từng nhánh, từng thiết bị điện tiêu thụ công suất lớn và toàn bộ hệ thống điện chung. Không tự ý câu móc điện tuỳ tiện để tránh hiện tượng quá tải gây chập cháy. Bảo đảm khoảng cách an toàn trong sắp xếp vật tư, hàng hoá, dây chuyền công nghệ, đặc biệt là loại dễ cháy phải bảo đảm khoảng cách an toàn đến các thiết bị điện, đường dây dẫn điện (khoảng cách tối thiểu là 0,5m).
Định kỳ bảo trì, bảo dưỡng hệ thống PCCC, máy móc thiết bị; thường xuyên vệ sinh công nghiệp giảm nồng độ nguy hiểm cháy, nổ của bụi gây ra.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, sửa chữa, thay thế để khắc phục ngay hoặc ngắt nguồn điện đến đường điện hoặc thiết bị hư hỏng, không an toàn.
3. Sử dụng điện hàn, cắt phải thực hiện đầy đủ các quy định:
Cách tối thiểu 10m với các chất cháy; phải có biện pháp che chắn không để xỉ hàn bắn ra khu vực xung quanh; chuẩn bị bình chữa cháy tại nơi hàn cắt và có người kiểm tra, theo dõi trong suốt quá trình thực hiện công việc hàn, cắt.
4. Khuyến cáo trong việc sử dụng điện khi điện bị mất (hoắc sự cố cắt điện)
Khi nguồn điện bị cắt, bất kể mất bao lâu để nguồn điện trở lại, điều đầu tiên người dân cần làm là không nên giữ nguyên phích cắm tại các ổ điện.
- Nhiều người có thói quen giữ nguyên phích cắm mỗi khi cúp điện, điều này có thể là một vấn đề lớn nếu có bất cẩn. Ví dụ, con bạn đang nghịch gần ổ điện và bạn không quan tâm vì chẳng có nguồn điện nào. Nhưng sẽ thế nào nếu điện bất ngờ hoạt động trở lại. Thậm chí, bạn bỏ đi ra ngoài chơi, trong khi các thiết bị vẫn duy trì trạng thái ngủ. Trường hợp có điện mà bạn vẫn chưa về thì vừa gây lãng phí vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.
- Việc cắt điện vẫn thỉnh thoảng xảy ra do ngành điện xây dựng mới hay bảo trì lưới điện, hoặc do sự cố bất khả kháng. Trừ trường hợp cắt điện có lịch thông báo trước do ngành điện thi công xây dựng mới công trình điện (trạm, đường dây); bảo trì, sửa chữa đường dây; phát quang cây cối.
- Còn có nhiều lý do bất khả kháng khác như diều chạm vào dây điện gây chạm mạch, cắt điện để chữa cháy nhà trong khu vực liên quan, giông gió lớn cây ngã, đổ vào đường dây điện khiến dây bị đứt, máy biến áp nóng quá gây cháy,…
Khi nhà bị mất điện, người dân nên chú ý các việc sau để có kế hoạch giữ cho hệ thống điện gia đình an toàn:
- Kiểm tra lịch cắt điện cập nhật ở khu vực đang sinh sống.
- Xem ở nhà hàng xóm có bị cắt điện hay không, để biết việc cắt điện là sự cố chung hay riêng lẻ.
Nếu nhà hàng xóm không bị cắt điện, thì cắt điện ở hộ gia đình có thể do các lý do sau:
- Chưa đóng tiền điện. Người dân nên thực hiện đóng tiền điện đúng thời hạn.
- Cầu dao tổng bị nhảy. Kiểm tra lại xem cầu dao tổng bật hay tắt.
- Sự cố xảy ra ở đường dây cấp điện vào nhà (phía trước điện kế nhà). Hãy liên hệ với trung tâm chăm sóc khách hàng của công ty điện lực để xử lý.
- Nếu không phát hiện ra bất cứ nghi ngờ gì và không rành về kỹ thuật điện, người dân nên gọi nhân viên điện lực đến kiểm tra.
Nếu việc cắt điện là do sự cố chung ở địa phương, trong khi chờ có điện trở lại, người dân chú ý các việc sau:
- Liên hệ số điện thoại Tổng đài chăm sóc khách hàng để tìm hiểu lý do bị cắt điện, khả năng bao lâu có điện trở lại. Việc biết thời gian có điện trở lại sẽ giúp người dân tính toán cho các kế hoạch của mình có cần đến sử dụng điện.
- Tắt tất cả các thiết bị điện, rút phích cắm điện ra (máy điều hòa nhiệt độ, ti vi, nồi cơm điện, máy giặt, máy nước nóng, quạt điện…), đề phòng khi có điện trở lại các thiết bị điện có thể hư hỏng hoặc do điện áp tăng đột ngột gây cháy, nổ.
- Để đèn sáng để người dân biết khi nào tình trạng mất điện đã được giải quyết.
- Trong trường hợp thắp sáng bằng đèn sạc, người dân có thể yên tâm. Nhưng nếu thắp sáng bằng đèn cầy (nến) thì phải luôn chú ý để tránh nguy cơ hỏa hoạn đáng tiếc xảy ra.
- Để đèn pin ở vị trí dễ nhớ, dễ lấy khi bị cắt điện bất chợt. Thông thường, điện thoại thông minh cũng có tính năng đèn pin. Tuy nhiên, nếu không cần thiết, người dân nên tiết kiệm pin cho điện thoại, đề phòng trường hợp cắt điện lâu, cần có điện thoại liên lạc khi cần thiết.
- Khi đang tắm, bị cắt điện, chú ý tắt tất cả thiết bị điện, rút phích cắm ra, đề phòng trường hợp có điện trở lại, sự cố điện có thể xảy ra trong phòng tắm gây nguy hiểm.
- Khi có điện trở lại, không nên bật đồng loạt cùng lúc tất cả các thiết bị điện trong nhà để đề phòng quá tải, lại bị mất điện tiếp.
- Nếu có sử dụng máy phát điện, hãy đảm bảo rằng máy phát điện được để bên ngoài nhà và cách xa cửa sổ. Không bao giờ sử dụng máy phát điện ở trong nhà.
Xử lý khi phát hiện có cháy, nổ, tai nạn liên quan đến sử dụng điện, máy phát điện: Bình tĩnh, nhanh chóng cắt điện khu vực cháy; báo động cho mọi người biết; sử dụng bình chữa cháy, xô, chậu, chăn chiên thấm ướt để chữa cháy, cứu người và thoát nạn. Trường hợp thấy chóng mặt, đau đầu, buồn nôn trong khu vực có máy phát điện đang hoạt động, cần tắt máy phát điện, mở cửa để lưu thông không khí trong nhà, khi có người bị ngất, hôn mê cần đưa ra ngoài khu vực thông thoáng, báo động cho mọi người biết để thực hiện sơ cấp cứu. Báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (qua số máy 114 hoặc ứng dụng báo cháy 114) hoặc chính quyền, công an địa phương nơi gần nhất.
Theo Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an huyện Đan Phượng