DI TÍCH - DANH THẮNG DI TÍCH - DANH THẮNG

DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA MIẾU XƯƠNG RỒNG XÃ LIÊN HỒNG.
Ngày đăng 05/04/2023 | 11:33  | Lượt xem: 8408

1. Lịch sử thờ tự.

Hầu hết các làng người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung bộ đều có tín ngưỡng thờ thành Hoàng làng, vị thần hộ mệnh của Làng.

Làng Tổ thờ Thành Hoàng Làng ở Miếu và Đình, thờ Đàm Gia Đại Vương, con vua Hùng Huy Vương (Hùng Vương thứ 6) và hai bà phi của Ngài đó là Du Di Hoàng Hậu và Hệ Hộ Cung phi.

Ngoài ra, Miếu Xương Rồng còn thờ Thân Mẫu của Đàm Gia Đại Vương, tức Đệ Tam cung phi của Vua Hùng Huy Vương và vị Hậu Thần quan Thái Giám Lê Quốc Trần, người làng Tổ Thôn tước vị Trần Bảo Hậu, chức vụ Tả Thái Giám thị nội thị cận.

Theo ngọc phả phân tích thì Miếu có từ trước khởi nghĩa Hai Bà Trưng (đầu công nguyên). Tương truyền trong nhân dân từ thượng cổ truyền lại thì đã thấy từ xa xưa không biết đích xác, nhưng về sau qua các lần tu tạo, Miếu đẹp hợp và có quy mô lớn hơn. Miếu được xây dựng lớn từ thế kỷ thế XVI, tức là trước khi có ngọc phả phân tích do nhà Lê soạn thảo giao cho dân làng.

Miếu Xương Rồng là một kiến trúc cổ kính, to lớn, đẹp từ xa xưa.

Theo ngọc phả được lưu giữ ở Viện Hám Nôm thì Vua Hùng Huy Vương và Đệ  Tam cung phi Hàn Nương công chúa trên đường về Hoàn Châu (nay là Nghệ An) viếng mồ mả Tổ tiên, đến đất làng Tổ đã dừng xe cho linh lính nghỉ lại. Và chính nơi đây, Đệ Tam cung phi chiêm báo mộng gặp Rắn Hoa ở giếng Ngọc bên cạnh hành cung nơi vua ngự, sau đó có mang và sinh ra Đàm Gia Quan Lang. Vua nhớ đến chuyện cũ cho gọi nơi đây là Ấp Thanh Mộc- phong cho Đàm Gia là Dương Cảnh, được hưởng lộc của cư dân tại đây. Lớn lên, Đàm Gia trở về thăm Ấp Thang Mộc vỗ về, an ủi, giúp đỡ, dạy bảo dân chúng làm ăn. Nhân dân ở đây coi Ngài như cha mẹ. Còn Ngài coi đây như quê hương thứ hai của mình. Đàm Gia lấy hai vợ là chị em ruột ở Thôn Nội (nay là làng Thượng Trì) vốn sinh ra từ một bọc trứng (2 trai, 2 gái) có tên là Du Di và Hệ Hộ.

Lấy vợ xong Đàm Gia trở về kinh. Trong khi đó, nơi Ấp Thang Mộc, hộ nhi dân sở tại đang lâm nạn bệnh tật hoành hành, phải lập đàn chay để tế cáo trời đất. Được thần báo mộng, nhân dân dâng sớ lên vua Hùng xin được đón Đàm Gia trở về và được Vua chuẩn y.

Đàm Gia về sống với nhân dân ở đây được nửa năm thì giặc Ân sang xâm lược nước ta. Đầm Gia lên đường đánh giặc Ân cùng Phù Đổng Thiên Vương. Sau khi đánh tan giặc Ân, Ngài được vua Hùng phong làm Hải Dương Vương. Chính phi của Ngài được phong làm Hoàng Hậu. Trước khi đến cai quản đất Hải Dương, Ngài trở về cung ấp (Tổ Thôn lúc bấy giờ) bái yết ngoại đường (Ở Thượng Trì) giao phó cung sở cho nhân dân Tổ Thôn làm sinh từ, sau này làm nơi thờ Phụng, cho phép Tổ Thôn làm “ làng Hộ nhi”

Khi có nạn lụt, Ngài được Nhà Vua cử đi trị thủy. Trị thủy xong, trên đường đem quân trở về đến dài Ngọc Động thì Ngài hóa. Vua nghe tin liền thân chinh cùng hai bà phi xa giái về xứ ấy (tức dải Sông Ngọc Động) truyền cho binh sĩ cùng nhân dân lập đền thờ phung.

Nhân dân làng Tổ Thôn được lệnh đi đón sắc chỉ cùng thần hiệu Đàm Gia Đại Vương về đến sinh từ (tức khu Miếu Xương Rằng) thì thấy mây ngũ sắc sà xuống giếng (tức Giếng Ngọc, nơi đệ tam cung phi của Hùng Huy Vương mộng gặp Rắn Hoa khi trước)- tức Đàm Gia Đại Vương đã trở về. Dân tâu lên Triều đình, nhà Vua phong thêm mỹ tự “ Dương Cảnh Thành hoàng Đàm Gia Đại Vương” cho đem về cung sở ở thôn Tổ thời Phụng.

Sinh thời, Đàm Gia Đại Vương sinh được một trai, được phong làm Thái tử kế vị làm Vương đất Hải Dương.

Sau này, hai bà phi và thái  về thăm quê ngoại (Thượng Trì) khi sang “ làng Hộ nhi” tức Tổ Thôn thì cả ba người cùng hóa tại đây. Nhà Vua lại phong mỹ tự “ Du Di Hoàng Hậu Đại Vương” và “ Hệ Hộ cung phi Đại Vương” cho phép Tổ Thôn phụng thờ ba vị.

2. Ý nghĩa giá trị lịch sử.

Việc thờ cúng Tế lễ Thành Hoàng Làng được thực hiện rất nghiêm túc. Hằng năm vào ngày 12 tháng giêng cán bộ và nhân dân làng Tổ trang trọng tổ chức Lễ Hội, Tế lễ cùng nhiều trò chơi dân gian như: Thổi cơm thi, trèo cây chuối, đập niêu...Ngày 2 tháng 9 tổ chức kỷ niệm ngày hóa Thành Hoàng Làng.

Miếu Xương rồng hiện nay không chỉ còn là nơi an vị của Thành Hoàng Làng mà nó còn mang cả chức năng như một ngôi Đình phục vụ sinh hoạt tinh thần của cộng đồng dân làng Tổ Thôn. Với ý nghĩa ấy, Miếu Xương Rồng càng có vai trò vị trí đặc biệt đối với làng Tổ Thôn nói riêng và xã Liên Hồng nói chung./.

Di tích Lịch sử - Văn hóa Miếu Xương Rồng