Tin hoạt động Đảng - Đoàn thể Tin hoạt động Đảng - Đoàn thể

Sử dụng chế phẩm sinh học IMO để xử lý rơm rạ
Ngày đăng 07/06/2024 | 17:41  | Lượt xem: 85

 

Việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch là một vấn đề quan trọng đối với cộng đồng nông dân, đặc biệt là trong bối cảnh việc đốt rơm rạ gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe và an sinh xã hội. Để giải quyết vấn đề này, các tổ chức hội, đoàn thể các cấp (đặc biệt đối với Hội Nông dân và Hội Phụ nữ) cần tăng cường tuyên truyền và đào tạo cho người dân về các phương pháp xử lý rơm, rạ sau thu hoạch một cách hiệu quả và bền vững.

Thực hiện Quyết định số 1843/QĐ-UBND ngày 02/6/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025”; trong đó có nội dung xây dựng triển khai mô hình điểm “Phụ nữ tham gia xử lý rơm, rạ sau thu hoạch”; Sáng ngày 06/6/2024, Hội LHPN xã Liên Hồng và xã Hồng Hà tổ chức hội nghị tập huấn “Phụ nữ tham gia xử lý rơm rạ sau thu hoạch” tại xã Liên Hồng.

Về dự hội nghị, đại biểu Hội LHPN Thành phố Hà Nội có đồng chí Nguyễn Thị Liên - Báo cáo viên, đồng chí Nguyễn Thị Thuận - Chuyên viên Ban hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế; đại biểu huyện có đồng chí Lê Thị Thương - PCT Hội LHPN Huyện Đan Phượng; Cùng 100 đại biểu là cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ xã Liên Hồng và xã Hồng Hà.

Các đại biểu tới dự hội nghị

Tại hội trường UBND xã Liên Hồng, báo cáo viên đã giới thiệu chung về chế phẩm IMO và hướng dẫn quy trình sản xuất chế phẩm IMO khô (men vi sinh IMO) như sau:

Báo cáo viên Nguyễn Thị Liên hướng dẫn quy trình sản xuất chế phẩm IMO khô

  • Nguyên liệu để tạo ra 5kg chế phẩm IMO khô gồm có:

+ Men tiêu hóa (20g, thành phần có chứa Lactobacillus Acidophilus, Bacillus Subtilis)

+ Men rượu (300 g)

+ Sữa chua (3 hộp 100 ml)

+ Chuối chín (3-5 quả)

+ Cám gạo (4 kg)

+ Đường mía (1 kg) hoặc rỉ đường

+ Đu đủ chín (500 g) hoặc vỏ dứa/vỏ trái cây (1-2 kg)

+ Nước đã lọc khử khuẩn, khử clorua vừa đủ.

  • Các bước thực hiện:

+ Băm nhuyễn các nguyên liệu rồi trộn đều hỗn hợp trên thành dạng ẩm 65-70% sau đó đổ vào thùng sạch (không đựng hóa chất) để ủ.

+ Sau 2-3 ngày ủ, kiểm tra hỗn hợp thấy nóng, mùi thơm là đạt yêu cầu.

+ Hong khô hỗn hợp để tạo ra IMO khô để trong thùng và dùng dần.

  • Nhân IMO khô:

+ Nguyên liệu để tạo 5 kg chế phẩm ra IMO khô, bao gồm: 1 kg IMO khô, 3 kg cám gạo, 1 lít nước, 200 g – 500 g đường đỏ (hoặc 500 g rỉ đường).

+ Cách nhân IMO khô: Trộn đều tất cả nguyên liệu dạng ẩm ủ trong thùng kín có nắp  đậy 24 giờ. Sau đó đem hong khô để bảo quản.

Lưu ý: Cần bao nhiêu ki-lô-gam IMO khô thì chuẩn bị nguyên liệu nhân theo tỉ lệ trên cho phù hợp.

 

Men vi sinh IMO khô thành phẩm

Tại vườn của một nông dân trên địa bàn xã, các hội viên Hội phụ nữ 2 xã được báo cáo viên hướng dẫn cách xử lý rơm, rạ với IMO khô. Theo đó, quy trình thực hiện gồm 4 bước:

  • Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu

+ Chế phẩm IMO khô (từ 1 -2 kg)

+ Lá đu đủ (hoặc thân, quả đu đủ) băm nhỏ (càng nhiều cảng tốt, tối thiểu 1 kg) Có thể thay thế bang các loại trái cây chín.

+ Rơm khô (10 kg)

+ Rác hữu cơ (5 kg) như: vỏ trái cây, rau củ quả phế phẩm,…

 

Báo cáo viên hướng dẫn học viên chuẩn bị nguyên liệu đúng tỉ lệ

 

  • Bước 2: Nuôi cấy men vi sinh rơm (men rơm)

+ Rải rơm xuống hố ven ruộng hoặc thùng ủ.

+ Đổ rác hữu cơ hoặc các loại trái cây, rau hỏng dập lên trên.

+ Trộn đều men IMO khô với lá đu đủ băm nhỏ, rắc đều lên bề mặt.

+ Bơm ngập nước vào khu vực ủ rơm, phủ bạt kín để ủ.

+ Sau 24 tiếng đối với thời tiết nắng nóng, 36 – 48 tiếng đối với thời tiết lạnh.

  • Khi đống ủ nóng, có mùi thơm là thu được men rơm.

Báo cáo viên hướng dẫn làm men rơm

  • Bước 3: Dùng men rơm để phân giải rơm, rạ

Cách 1:

+ Rơm được gom thành dải ven ruộng, nơi có nước (đảm bảo rơm ướt).

+ Dùng men rơm đã ủ trước đó rải lên trên rơm tươi.

+ Rơm sẽ mục nát nhanh chóng từ 7 – 15 ngày, tùy theo lượng men rơm ít hay nhiều.

+ Lấy phần rơm ngâm trong nước làm men rơm, tiếp tục rải lên những nơi rơm chưa phân hủy.

Cách 2:Ủ đống

+ Thu gom rơm, rạ sau thu hoạch (độ dày 20 cm/1 lượt).

+ Rải men rơm phủ kín rơm, rạ theo từng lớp.

+ Tưới nước vừa đủ ướt.

+ Lần lượt cho đến hết rơm, rạ cần ủ.

+ Lấy bạt phủ kín.

+ Đống ủ nóng, thơm là đạt yêu cầu.

  • Bước 4: Xử lý gốc rạ tại ruộng

+ Dùng máy cày lật các gốc rạ.

+ Bơm nước ngập ruộng.

+ Vãi đều rơm đã ủ ra khắp ruộng, tại những nơi có nước để phát tán men rơm.

+ Các gốc rạ sẽ oải mục nhanh chóng, tùy thuộc vào lượng men rơm đã ủ trước đó và độ ngập của nước.

Lưu ý: Lúc đầu khi ủ men rơm, rạ, nếu cho càng nhiều IMO khô, tốc độ phân giải rơm rạ càng nhanh.

 

*Một số lưu ý khi làm chế phẩm IMO:

- Rỉ đường tốt hơn và rẻ hơn đường đỏ, không nên dùng đường trắng.

- Không nên dùng nước có chứa Clo để làm chế phẩm IMO vì nước này có tính sát khuẩn cao, sẽ tiêu diệt các vi sinh vật có lợi trong quá trình ủ.

- Nếu chế phẩm IMO thành phẩm thu được có mùi hôi mà không phải mùi chua nhẹ thì chế phẩm đã bị hỏng và không thể sử dụng.

- Thời gian ủ chế phẩm IMO mỗi mùa sẽ khác nhau: Mùa nóng thời gian ủ chế phẩm IMO sẽ nhanh hơn so với mùa lạnh.

- Nên chừa một khoảng không bằng khoảng 1/3 hoặc 1/4 của thùng chứa để không khí lưu thông bên trong thùng ủ được tốt hơn, thành phẩm đạt được cũng tốt hơn.

Qua buổi tập huấn, các học viên đều vui mừng và hy vọng sẽ áp dụng thành công mô hình “Phụ nữ tham gia xử lý rơm, rạ sau thu hoạch” trong việc sản xuất của mình để giảm chi phí đầu tưtăng năng suất cây trồng. Đây là một mô hình hay cần được duy trì và nhân rộng hơn nữa./.

                                                                                                                                                                          Mỹ Hảo: Đài TT xã